Lịch sử Trường Đại học Ngoại thương

Giai đoạn 1960–1963

Ngành học Đại học Ngoại thương chính thức ra đời vào năm 1960. Sơ khai là bộ môn trong Khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, nhưng đặt tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Chủ nhiệm Khoa đều do Bộ Ngoại giao cử về. Trong Khoa Quan hệ quốc tế có 2 bộ môn: Ngoại giao và Ngoại thương. Khóa 1 sinh viên Ngoại thương với 42 sinh viên được tuyển vào năm học (1960–1966) và Khóa 3 (1962–1967) sinh viên Ngoại thương vẫn do Khoa Quan hệ quốc tế trực tiếp quản lý. Như vậy, có thể nói Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế – Tài chính trước đây là tổ chức tiền thân của trường Đại học Ngoại thương.

Giai đoạn 1964–1965

Năm 1964, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Quan hệ quốc tế tách khỏi Trường Đại học Kinh tế – Tài chính để thành lập Trường Đại học Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao. Trụ sở của Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương đặt tại phường Láng Thượng trên khu đất của Trường Đại học Ngoại thương và Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao).

Tuy tên gọi là Trường Cán bộ, nhưng nhiệm vụ trường được giao là đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương. Do vậy, Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương, ngoài các phòng chức năng ra chỉ có 2 khoa đào tạo là: Khoa Ngoại giao và Khoa Ngoại thương. Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương thành lập không được bao lâu thì phải đi sơ tán ra khỏi Hà Nội để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Tại nơi sơ tán – huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thầy trò trường lại tiếp tục giảng dạy và học tập.

Trong thời gian này, Khoa Ngoại thương trực tiếp quản lý 3 khóa sinh viên cũ và tuyển thêm khóa 4 và khóa 5. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Khoa Ngoại thương đều do Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương) điều động từ Bộ về. Ngoài việc đào tạo sinh viên các khóa chính quy, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Ngoại thương con làm nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ Ngoại thương cho các cán bộ từ Phó Phòng nghiệp vụ trở lên của các Tổng công ty xuất nhập khẩu, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan.

Giai đoạn 1965–1983

Năm 1965, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định chia tách Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương thành 2 trường: Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao và Trường Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương). Tên hiệu chính thức của trường Đại học Ngoại Thương bắt đầu có từ thời gian này. Ngay sau khi thành lập, Trường Đại học Ngoại Thương chuyển về địa điểm sơ tán mới ở huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, còn Trường Đại học Ngoại giao ở lại nơi sơ tán cũ. Trong thời gian này, Trường Đại học Ngoại thương còn 5 khóa sinh viên (từ khóa 3 đến khóa 6), còn sinh viên khóa 1 và khóa 2 đã tốt nghiệp ra trường.

Năm 1968, lần đầu tiên Trường Đại học Ngoại thương mới chính thức có Hiệu trưởng là đồng chí Lưu Văn Đạt và Phó Hiệu trưởng là đồng chí Lê Văn Ngọ. Một vài năm trước đó, Ban Giám hiệu chỉ có chức Phó Hiệu trưởng. Ngoài một số phòng chức năng, Trường đã có các đơn vị chuyên môn như Khoa Nghiệp vụ Ngoại thương; Khoa Ngoại ngữ, Khoa Tại chức và Bộ môn Chính trị.

Công tác đào tạo bắt đầu tăng quy mô và đa dạng loại hình đào tạo. Trước đây, mỗi khóa chỉ tuyển trên dưới 50 sinh viên, đầu những năm 70 trở đi, quy mô mỗi khóa đã tăng lên 75–100 sinh viên. Ngoài việc đào tạo sinh viên hệ chính quy, Trường còn mở rộng đào tạo hệ tại chức và phát triển hình thức bồi dưỡng cán bộ.

Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng mở rộng và ác liệt. Điều này có gây ra những khó khăn nhất định cho các hoạt động của Nhà trường. Tuy nhiên, công tác giảng dạy, học tập và các sinh hoạt khác của Nhà trường vẫn diễn ra bình thường tại nơi sơ tán.

Cuối năm 1967, tình hình chiến sự tạm yên ổn, Đảng ủy và Ban Giám hiệu quyết định chuyển Trường từ nơi sơ tán về lại trụ sở cũ tại Hà Nội. Từ thời gian này đến năm 1983, Trường Đại học Ngoại thương tập trung sức lực vào việc xây dựng cơ sở vật chất và tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo (trừ năm 1972, Trường lại phải sơ tán lần thứ 2).

Giai đoạn 1984– hiện tại

Năm 1984, Trường Đại học Ngoại thương chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Thời gian này, phần lớn các trường đại học chọn chuyển từ các Bộ ngành chủ quản sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp quản lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp. Cho đến cuối những năm 80, cơ cấu tổ chức của Trường như Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các phòng chức năng, các Khoa và Bộ môn… tiếp tục được củng cố.

Năm 1993, xuất phát từ nhu cầu cán bộ trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Cơ sở II) đã được thành lập theo Quyết định số 1485/GD-ĐT ngày 16/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, Đại học Ngoại thương được nhiều trường đại học quốc tế công nhận chương trình đào tạo và thiết lập quan hệ đào tạo, trong đó có Đại học La Trobe, Queensland, Úc; Đại học Vân Truyền, Đài Loan; Đại học Asia Pacific, Nhật Bản; Đại học Tổng hợp Colorado (CSU), Hoa Kỳ; Đại học Bedforshire, Anh; Đại học Rennes, Pháp; Trường Kinh doanh Quốc tế SolBridge, ĐH Woosong, Hàn Quốc.

Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài đều được đánh giá cao cả về kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt từ 98–100% [3]. Đặc biệt, sinh viên Đại học Ngoại thương còn nổi tiếng năng động, sáng tạo và tự tin. Số lượng sinh viên xuất thân từ Đại học Ngoại thương giành được học bổng du học đại học và sau đại học tại nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong số sinh viên các trường đại học tại Việt Nam. Chính nhờ những kết quả đó, Trường Đại học Ngoại Thương đã được Liên hiệp Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA) trao tặng Cúp vàng "Thương hiệu Việt" năm 2006 và Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới vào tháng 5 năm 2010 và Huân chương Độc lập hạng Nhất vào tháng 9 năm 2012.

Liên quan

Trường Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam Trường Đại học Ngoại thương Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Chinh Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trường Đại học Ngoại thương http://www.univn.com/indexct.php?id=309&t=281&PHPS... http://dantri.com.vn/c25/s25-164507/dh-ngoai-thuon... http://dantri.com.vn/c25/s25-213186/25-truong-dan-... http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nguoi-viet-dang-me... http://ftu.edu.vn/images/file/3congkhai2015-2016.P... http://cid.ftu.edu.vn/ http://doanthanhnien.ftu.edu.vn/2017/11/19/ngoai-t... http://www.ftu.edu.vn http://khaigiang.vn/dvdt/dai-hoc-ngoai-thuong-co-s... http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cong-bo-khao-sa...